5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam

Lô 42B, KQH BẠCH ĐẰNG NGÔ QUYỀN, P6, ĐÀ LẠT, LÂM ĐỒNG Email: minhkhangdalattravel@gmail.com

0975 036 003

0369 561 632

5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam
Ngày đăng: 02/04/2022 11:19 AM
Hotline Gọi ngay : 0975 036 003

    5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam

    Cập nhật: Thứ sáu, 01/04/2022 21:00:05

     - Vào sáng ngày 1/4, trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và Tổng cục Du lịch đã tổ chức diễn đàn du lịch với chủ đề Phục hồi du lịch Việt Nam: Định hướng mới - Hành động mới. Diễn đàn được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.  

    Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo diễn đàn (Ảnh: TITC)

    Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Lê Phúc và Phạm Văn Thủy; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Lê Tuấn Anh; cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí, sinh viên khoa du lịch một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

    Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành.

    Thứ trưởng đề nghị diễn đàn tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề quan trọng như: định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới liên quan đến chính sách, đầu tư, sản phẩm, thị trường, huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực; những giải pháp và hành động cụ thể để phục hồi và phát triển du lịch, giải pháp trước mắt và lâu dài; những đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, cơ quan quản lý du lịch các cấp.

    “Các ý kiến đề xuất cần cụ thể, có tính thực tiễn cao, tập trung vào định hướng mới, hành động mới để phục hồi du lịch một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

    Tư duy mới, định hướng mới, xây dựng chính sách đột phá cho du lịch

    Tại phiên thứ nhất của Diễn đàn có chủ đề “Định hướng mới”, các đại biểu đã trao đổi, gợi mở các định hướng mới quan trọng, xây dựng chính sách đột phá nhằm đẩy nhanh sự phục hồi của du lịch Việt Nam.

    Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và khu vực đang diễn ra gay gắt và thích ứng với các nhu cầu và xu hướng mới. Vừa đảm bảo an toàn vừa phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch mới; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.

    Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nêu 5 định hướng  cho phục hồi và phát triển du lịch (Ảnh: TITC)

    Về định hướng cho phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết cần tập trung vào 5 vấn đề gồm có:

    Về định hướng thị trường, trước mắt, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch.

    Về định hướng sản phẩm, ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh dịch bệnh, thì Việt Nam có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe.

    Về định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

    Về định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.

    Về định hướng phát triển nguồn nhân lực, cần tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới; Chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động; Tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch; Có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành.

    Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: TITC)

    Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đang được triển khai với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có du lịch. Đồng thời, trong Chương trình đã cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.

    Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý những khó khăn, thách thức đối với sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch, đó là dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp; giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ; khó khăn trong nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao quay trở lại… Do vậy, bà Ngọc đề nghị trong thời gian tới cần nỗ lực thực hiện khẩn trương, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, giúp phục hồi nhanh các ngành kinh tế trong đó có du lịch.

    Về cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính và thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị cần giảm tiền thuê đất đối với đất không lưu và đất cảnh quan sinh thái trong các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và xem xét tiếp tục giảm mức thuế này; thực hiện hoàn thuế VAT ngay tại điểm bán hàng cho khách quốc tế để khuyến khích tăng chi tiêu mua sắm; xem xét đưa doanh nghiệp du lịch vào diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

    Các đại biểu tham dự thảo luận Phiên I: Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới (Ảnh: TITC)

    Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, theo kết quả điều tra chọn mẫu doanh nghiệp trên toàn quốc vào Quý 4/2021 của VCCI, bình quân 94% doanh nghiệp trong cả nước cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng đối với các doanh nghiệp du lịch (trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống) tỷ lệ này lên tới 98,36%, cho thấy mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp du lịch là rất nặng nề. Bên cạnh đó, mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ chưa cao, đơn cử như chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ít có tác động vì hầu hết các doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động, không có doanh thu trong 2 năm vừa qua.

    Đánh giá chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tính cạnh tranh của ngành du lịch, ông Tuấn kiến nghị Nhà nước cần xem xét tăng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày hiện nay lên 30 ngày; mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, thông thoáng như hướng các nước trong khu vực đang thực hiện; tăng cường áp dụng cấp thị thực điện tử để tạo sự thuận lợi, an toàn, chi phí thấp…

    Doanh nghiệp du lịch quyết liệt hành động, nỗ lực nhanh chóng phục hồi

    Tại phiên thứ hai tại diễn đàn về “Hành động mới”, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp du lịch đã tập trung trao đổi về những xu hướng mới, đề xuất giải pháp, hành động cụ thể để phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

    Bày tỏ sự ấn tượng trước sự mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam với chủ trương quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của ngành du lịch,  Việt Nam đã có chính sách mở cửa được đánh giá là cởi mở nhất trong khu vực, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận rõ rệt về sự sôi động của du lịch Việt Nam trong những ngày vừa qua.

    Các đại biểu tham dự thảo luận Phiên II: Phục hồi du lịch Việt Nam - Hành động mới (Ảnh: TITC)

    Ông cho rằng, các doanh nghiệp cần có hành động mới đối với hệ thống sản phẩm, thị trường khách và chuyển đổi số. Sản phẩm cần đi theo xu hướng thị trường mới như khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình, gần gũi thiên nhiên… Do vậy, cần đẩy mạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE. Đẩy mạnh số hóa, triển khai e-marketing trên các nền tảng số.

    Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo cho rằng cần xem xét, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, có các giải pháp trước mắt và dài hạn. Trước mắt tập đoàn đang tập trung vào nhóm thị trường gần, các nhóm khách gia đình, khách MICE. Đối với thị trường quốc tế, phục vụ ngay thị trường nào vào Việt Nam trước, triển khai xúc tiến ở những thị trường đã phục hồi kết nối hàng không với Việt Nam và có chính sách xuất nhập cảnh phù hợp, thuận lợi.

    Trong công tác xúc tiến quảng bá, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội nhấn mạnh công tác xúc tiến quảng bá cần đồng bộ với sự sẵn sàng về sản phẩm. Nghiên cứu lại thị trường, lựa chọn thị trường khách phù hợp với điều kiện bình thường mới. Ông Thắng đề nghị cần tổ chức đón ngay các đoàn famtrip của doanh nghiệp lữ hành và báo chí của nước ngoài vào khảo sát và quảng bá thông tin về Việt Nam an toàn, sẵn sàng đón khách quay trở lại. Xác định các điểm đến, sản phẩm mới phù hợp với xu hướng mới (như du lịch xanh) để xúc tiến quảng bá, thu hút khách.

    Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cho biết, Quỹ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính gồm có: hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ truyền thông du lịch trong cộng đồng. Quỹ sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ chi tiết cụ thể để triển khai, góp phần phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

    Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình
    và các đại biểu chúc mừng Lễ ra mắt Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại diễn đàn (Ảnh: TITC)

    Trung tâm Thông tin du lịch

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline